1. Các câu trực tiếp sử dụng máy tính cầm tay để đi đến kết quả chiếm khoảng 1/3 số câu trong đề này. Các câu này tuy không cần quan tâm tới các bước giải nhưng học sinh vẫn cần biết khái niệm để nhận dạng và thực hiện việc sử dụng máy tính cầm tay thành thạo.
2. Khi dạy cho học sinh, các thầy cô cần phân tích những sai lầm hay gặp phải để học sinh tránh được những đáp án có tính chất “bẫy” học sinh vào lựa chọn đáp án sai. Việc đọc hiểu các đáp án là việc cũng cần rèn luyện cho học sinh. Thầy cô cần có những diễn đạt khác nhau về các mệnh đề, các kết luận của bài toán để chỉ ra những cách hiểu sai về các khái niệm toán.
3. Không những dạy kĩ từng khái niệm cơ bản, thầy cô cần dạy cho học sinh những điều khái quát khi học xong các vấn đề. Ngoài việc dạy từng loại hàm số với các dạng đồ thị của mỗi loại hàm số này, cần tổng kết để so sánh đối chiếu.
4. Về mức độ các dạng toán liên quan tới một khái niệm, thầy cô cần xuất phát từ thí dụ đơn giản, đơn thuần là áp dụng định nghĩa, nhưng cũng tiến tới các thí dụ đòi hỏi hiểu khái niệm hơn, đưa ra bài toán để học sinh tránh hiểu sai về khái niệm. Chẳng hạn với câu 2 chỉ cần học sinh áp dụng định nghĩa về đường tiệm ngang nhưng tới câu 9 thì đòi hỏi phải hiểu hơn và vận dụng tốt hơn về khái niệm.
5. Khi dạy một loại toán, thầy cô cần dạy những cách giải khác nhau để khi gặp các tình huống trong đề thi học sinh có thể lựa chọn cách làm nào nhanh nhất tuỳ theo các phương án mà đề thi đưa ra .
6. Ngoài việc dạy học sinh làm các bài toán với những con số cụ thể, các thầy cô cần dạy cả những bài toán có tính tổng quát và ghi nhớ kết quả tổng quát. Chẳng hạn bài toán tổng quát dễ nhất của câu 10 là cho tấm kim loại hình vuông có cạnh là a (đ.v.đ.d) và người ta cắt đi ở 4 góc các hình vuông cạnh x (đ.v.đ.d) để gấp thành cái hộp không nắp (a > 2x). Xác định x để thể tích hình hộp lớn nhất. Thể tích V = x(a – 2x)(a- 2x) (đ.v.d.t). Bài toán này có thể áp dụng bất đẳng thức Cô – si hoặc xét hàm số sẽ có ngay kết quả V lớn nhất khi x = a/6 . Vậy khi gặp bài cụ thể như câu 10 học sinh thấy ngay x = 2 nên chọn đáp án C. Có thể tổng quát khó hơn là tấm kim loại ban đầu là hình chữ nhật.
7. Khi dạy các khái niệm toán học thầy cô cần phân tích ý nghĩa hình học hoặc ý nghĩ vật lý nếu có của khái niệm và quay lại các ý nghĩa này khi học thêm các khái niệm khác. Chẳng hạn khi học khái niệm đạo hàm tại một điểm, thầy cô nhấn mạnh ý nghĩa vật lý và ý nghĩa hình học nhưng khi học xong khái niệm nguyên hàm cần quay trở lại vấn đề này. Nếu trước đây cho hàm S = f(t) với S (đ.v.đ.d) là quãng đường đi được tại thời điểm t (đ.v.t.g) thì S’ = f’(t) (đ.v.v.t) chính là vận tốc của chuyển động tại thời điểm t (đ.v.t.g).
Đề thi có 5 câu có những đồ thị, bảng biến thiên, hình vẽ (câu 1, câu 4, câu 10, câu 31, câu 40) mà học sinh phải dựa vào đó để lấy thông tin từ đó mới trả lời được câu hỏi. Đề thi có những câu hỏi ứng dụng toán để giải quyết vấn đề: bài toán giá trị lớn nhất có dùng đến hình vẽ minh họa (câu 10), bài toán lãi suất (câu 21), bài toán ứng dụng của môn vật lý (câu 24).
Có câu hỏi thuần túy là lý thuyết trong sách giáo khoa (câu 22). Có những câu tích phân, học sinh chỉ cần nhập vào máy tính là sẽ ra kết quả (câu 25, câu 26). Phần hình học có 15 câu, chiếm khoảng 3 điểm giống như trong đề thi tự luận. Phần hình học không gian, vẫn có các chủ đề quen thuộc như tính thể tích khối chóp, khoảng cách trong không gian, bán kính mặt cầu ngoại tiếp. Ngoài ra, một số phần mới xuất hiện như: hình nón (câu 39), hình trụ (câu 40, câu 41).
Các câu hỏi tính toán trong đề thi, đa phần ở mức độ cơ bản. Các bước tính toán là tường minh, học sinh chỉ cần vận dụng lý thuyết, thuộc công thức là làm được. Điều này giúp tránh cho các em phải luyện các bài toán phức tạp, mẹo mực.
Đề minh họa ra giàn trải khắp cả chương trình 12, ra cả vào các phần mà trước đây các giáo viên dạy qua loa, thậm chí lờ đi không dạy: ứng dụng của đạo hàm, các khối tròn xoay. Điều này làm cho các giáo viên phải điều chỉnh nội dung giảng dạy của mình trong thời gian sắp tới, không còn dạy xoáy vào một số nội dung trọng tâm như trước nữa.
Với điều kiện thời gian trong 90 phút cùng áp lực của phòng thi, học sinh trung bình có thể làm được từ 20 – 25 câu. Học sinh khá – giỏi làm được từ 40 – 45 câu. Mặc dù không có các câu phân loại quá khó như trong đề tự luận, chỉ có các học sinh xuất sắc mới có thể làm trọn vẹn bài thi này.